Phương pháp học Collocation trong luyện thi IELTS
Collocation đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong giao tiếp thường ngày mà còn trong quá trình luyện thi IELTS đối với cả 4 kĩ năng. Nếu các bạn nắm rõ phương pháp học collocation thì band điểm IELTS sẽ tăng “vùn vụt” và giúp các bạn sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên, linh hoạt hơn. Vậy hãy cùng Oxford English UK tìm hiểu phương pháp học trong bài viết dưới đây.
Collocation là gì?
Theo từ điển Oxford, collocation được định nghĩa là “a combination of words in a language that happens very often and more frequently than would happen by chance” – sự kết hợp thường xuyên của các từ trong một ngôn ngữ.
Từ điển Cambridge định nghĩa collocation là “ a word or phrase that is often used with another word or phrase, in a way that sounds correct to people who have spoken the language all their lives, but might not be expected from the meaning” – một từ hoặc cụm từ thường được sử dụng với một từ hoặc cụm từ khác, theo cách của những người đã sử dụng ngôn ngữ đó cả đời, nhưng nghĩa của cụm từ này có thể không suy ra được từ ý nghĩa của từng từ riêng lẻ.
Như vậy, collocation là sự kết hợp các từ với nhau thành những cụm từ một cách tự nhiên theo thói quen của người bản xứ. Thật vậy, trong mỗi ngôn ngữ đều có một hệ thống collocation riêng biệt. Ví dụ như trong Tiếng Việt, người Việt sẽ thường sử dụng cụm “hổ gầm” hay “vượn hú” để chỉ việc những loài vật này tạo ra âm thanh thay vì “hổ hú”, “vượn gầm”.
Tiếng Anh cũng tương tự, có những từ luôn đi kèm với nhau để tạo thành một cụm từ hoàn chỉnh nhằm diễn đạt một ý nào đó, ví dụ: “pay attention” (tập trung, chú ý) chứ không dùng “give attention” hoặc “make attention”; hay “blonde” đi với “hair” và “heavy” đi với “rain”. Trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, người học có thể sử dụng “yellow hair” hay “strong rain” mà vẫn truyền đạt được phần nào ý của bản thân tới người bản xứ. Tuy nhiên, ngôn ngữ của người học sẽ không tự nhiên, và trong một số trường hợp có thể gây hiểu lầm cho người nghe.
Phương pháp học collocation theo ngữ cảnh
Người học có thể đã quen thuộc với việc học những từ vựng riêng lẻ theo ngữ cảnh bằng cách gắn nội dung từ cần học với các dấu hiệu liên quan.
Nếu chỉ học những từ vựng riêng lẻ này, tuy người học có thể nhớ và hiểu được nghĩa của từ vựng, nhưng khó có thể hiểu rõ cách sử dụng và các cách kết hợp từ vựng ở trong câu khi đi kèm với những từ khác. Hậu quả là dù người học có thể gợi nhớ từ vựng đúng trong ngữ cảnh cần diễn đạt, nhưng lại kết hợp sai từ này với những từ khác, khiến cho ngôn ngữ trở nên mất tự nhiên và thậm chí là không chính xác, nhiều trường hợp gây khó khăn trong việc truyền đạt thông tin.
Ví dụ khi người học muốn ghi nhớ từ “comparison” – sự so sánh, người học đã áp dụng phương pháp này bằng cách đặt từ vựng vào ngữ cảnh: “The performance of new employees is examined by comparison.” (Hiệu suất của nhân viên mới được kiểm tra bằng cách so sánh). Người học có thể ghi nhớ được ý nghĩa của từ vựng, tuy nhiên nếu không học các collocation của từ “comparison”, người học khó có thể kết hợp từ đúng để diễn đạt ý của mình trong những trường hợp khác. Khi nắm được các collocation của từ “comparison” theo ngữ cảnh, người học có thể sử dụng được từ này một cách linh hoạt và chính xác:
- Draw a comparison between (rút ra sự so sánh giữa các đối tượng)
Ngữ cảnh: The teacher draws a comparison between the two concepts after evaluating them. (Cô giáo rút ra sự so sánh giữa hai khái niệm sau khi đã đánh giá chúng).
- In comparison with (trong sự so sánh với cái gì)
Ngữ cảnh: In comparison with other candidates, she was very good. (Cô ấy khá giỏi nếu so sánh với các ứng cử viên khác)
- bear/stand comparison with (giống nhau, tương tự nhau, có thể so sánh được với nhau)
Ngữ cảnh: The education system bears/stands no comparison with (= is not as good as) that in many Asian countries. (Hệ thông giáo dục này không thể nào so sánh với hệ thống ở nhiều nước Châu Á).
- Make a comparison with (so sánh với cái gì)
Ngữ cảnh: It is difficult to make a comparison with her previous book—they are completely different. (Rất khó để so sánh với quyển sách trước của cô ấy, vi chúng rất khác nhau).
Sau khi đã hiểu được tầm quan trọng của việc học collocation theo ngữ cảnh, người học có thể áp dụng phương pháp này bằng các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Chuẩn bị các collocation cần học – Tập hợp các cụm từ này theo chủ đề hoặc một đặc điểm chung. Người học chỉ nên chọn từ 8 – 20 collocation một lần, tránh nạp quá nhiều kiến thức mới cùng lúc, làm giảm hiệu suất ghi nhớ từ.
Bước 2: Tạo ra ngữ cảnh – Có thể sử dụng một câu chuyện cho tất cả các collocation, tạo lập một nền tảng chung giúp cho việc ghi nhớ.
Bước 3: Lặp lại thông tin – Nhắc lại những collocation này khi có ngữ cảnh phù hợp.