8 bí quyết “vàng” để cải thiện kỹ năng IELTS Speaking
Bài thi IELTS vẫn luôn là một bài thi khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng nên đã gây cho thí sinh không ít áp lực, đặc biệt là bài thi Speaking. Thế nhưng, bạn vẫn có thể vượt qua bài thi này với mức điểm cao nếu như biết áp dụng những nguyên tắc đã được các bạn đi trước kiểm chứng. Oxford English UK xin giới thiệu đến bạn 8 bí quyết vàng giúp bạn cải thiện kỹ năng IELTS Speaking.
Biết rõ thang điểm của bài thi
Phần thi kỹ năng nói trong bài IELTS được chấm điểm theo một thang điểm rất chặt chẽ. Do đó, nếu bạn muốn gây ấn tượng tốt với giám khảo, bạn nên hiểu được bài thi muốn đánh giá những yếu tố gì. Nói ngắn gọn, đó là phát âm, sự trôi chảy và mạch lạc, ngữ pháp, và từ vựng, mỗi yếu tố này sẽ chiếm 25% tổng số điểm của bạn. Những yếu tố này đều được mô tả trong IELTS Band Descriptors.
Luyện tập thường xuyên
Bạn cần luyện tập nhiều trước ngày thi để trở nên thành thạo các kỹ năng. Một trong những cách tốt nhất để luyện tập là nghe và sau đó nói lại chủ đề vừa học, thậm chí nhắc lại theo bài nghe cũng là một cách học. Bởi vì học ngôn ngữ đơn giản là nhắc đi nhắc lại và luyện tập thường xuyên để tạo thành phản xạ giao tiếp.
Thấu hiểu những chủ đề thường gặp
Thông thường, trong bài IELTS Speaking, bạn sẽ gặp các chủ đề thông thường và tham gia những đoạn trao đổi thường ngày. Độ khó của các câu hỏi tăng dần trong quá trình diễn ra bài test. Tuy nhiên, nếu bạn để ý thì các câu hỏi trong bài IELTS phần lớn đều rất đơn giản. Đây hoàn toàn không phải là một bài kiểm tra kiến thức học thuật mà đơn thuần chỉ là một bài test ngôn ngữ. Do đó, bạn hãy tập trung vào việc dùng các kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ thông thường một cách thoải mái và tự nhiên.
Sử dụng ngôn ngữ nói một cách tự nhiên
Việc sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên giúp bạn nói trôi chảy và cải thiện phát âm. Chính vì thế, hãy chú ý tới một số điểm sau:
Dùng những cách nói tắt như it’s thay vì it is
Dùng các từ được dùng nhiều trong văn nói như quite, kinda,…
Dùng các cụm từ như I guess, you know, I suppose,…
Mở rộng câu trả lời của bạn
Hẳn là bạn đã được khuyên điều này rồi. Không nên trả lời cụt lủn tất cả các câu hỏi được đặt ra. Ví dụ:
Câu hỏi: How many languages do you speak?
Trả lời: Two.Vietnamese and English.- Câu này quá ngắn, bạn nên kéo dài ra một chút, ví dụ:
I speak two languages. My first language is Vietnamese and I speak English too. I’ve been learning English since I was 10. I started learning it when I was in primary school.
Tuy nhiên, đừng đưa ra những câu trả lời quá dài, bởi ‘nói dài, nói dai” có khi thành ‘nói dại’ nếu bạn đi lạc đề và mất điểm trình bày mạch lạc.
Đôi khi trả lời ngắn cũng tốt
Không phải tất cả các câu hỏi đều có ý nghĩa như nhau và cần bạn trả lời vòng vo vì nhiều câu thực sự bạn muốn nói thêm, nhưng có những câu cũng không có gì để bàn nữa. Do đó, nếu bạn gặp một câu hỏi mà bạn không biết nên nói thêm gì, hoặc không có nhiều điều để bình luận thì không nên cố nói về nó. Nếu bạn cố quá thì hẳn sẽ bị ngắc ngứ, và vậy là mất điểm. Vậy, tốt hơn là hãy trả lời ngắn gọn và đủ ý về những chủ đề bạn không hiểu nhiều và chờ tới những câu hỏi khác để thể hiện tốt hơn. Bạn có những 3 phần thi để thể hiện cơ mà!
Tuy nhiên, riêng trong part 2, bạn phải nói tối thiểu liên tục trong 1.5 phút, do đó, hãy chuẩn bị phần này thật tốt để đưa ra một câu trả lời mạch lạc cho mình.
Chiến thuật ‘câu giờ’
Trong phần 1 và 3 của bài thi, bạn không được cho thời gian để nghĩ. Tuy nhiên, thế không có nghĩa là bạn phải trả lời ngay. Do đó, nếu cần thời gian suy nghĩ, hãy thử ‘câu giờ’ bằng cách lặp lại hoặc biến đổi lại câu hỏi, hoặc thêm một câu bình luận về câu hỏi đó. Chẳng hạn:
“What did I enjoy doing as a child? Let me see…”
“That’s not something I’ve thought about before. It’s an interesting question.’
Việc này không chỉ giúp bạn có thêm thời gian suy nghĩ mà còn là một cách giao tiếp thông dụng trong cuộc sống, kiến câu trả lời của bạn tự nhiên hơn, đồng thời cũng nhấn mạnh là bạn đang đi đúng chủ đề chứ không lạc hướng.
Tự sửa lỗi
Nếu bạn mắc lỗi khi nói và nhận ra điều đó, hãy tự sửa lỗi của mình ngay. Điều này giúp giám khảo nhận ra bạn có thể kiểm soát được ngữ pháp và từ vựng của mình khi nói. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách sửa sao cho đúng, cứ nói tiếp những phần sau, có thể giám khảo không để ý đến lỗi sai nhỏ của bạn lần đầu tiên nhưng nếu bạn sửa, và sửa sai, lỗi nhỏ sẽ trở thành lỗi lớn.
Đây là bài thi nói, không phải bài thi nghe. Do đó, bạn không bị buộc nghe một lần duy nhất. Nếu bạn không hiểu câu hỏi, hãy nhờ giám khảo nhắc lại hoặc giải nghĩa nó – và theo luật thì bạn sẽ không bị trừ điểm bởi vấn đề này, và thậm chí, ngay cả khi bạn bị trừ điểm vì không hiểu câu hỏi thì việc đó cũng dễ chấp nhân hơn là bạn đưa ra một câu trả lời hoàn toàn không liên quan tới điều được hỏi.Nếu bạn không hiểu câu hỏi, hãy hỏi lại!